Notice: Trying to access array offset on value of type bool in /home/qwubanfx/public_html/wp-content/themes/Divi/includes/builder/functions.php on line 2442
Cần gì nhất khi khởi nghiệp? | Leon Ina Entrepreneur

Là người khởi nghiệp, nếu chọn giữa

  • Chiến lược đúng đắn
  • Năng lực sẵn sàng
  • Động lực mạnh mẽ

Bạn sẽ chọn gì? Tại sao?

khởi nghiệp

Còn sau đó 5 năm?

Đây là một câu hỏi khá quái khi bắt người ta phải chọn một trong ba yếu tố thực ra vốn có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau khá phức tạp. Tuy vậy, đây cũng là một phép thử tâm khá lý tốt để giúp ta hiểu chính mình hơn.

Tôi có phần bất ngờ với những trả lời cho câu hỏi có phần giản đơn này. Nhưng có lẽ cũng nhờ vậy mà tôi hiểu thêm về thực tế phong phú của phong trào khởi nghiệp hiện tại.

Xin được chia sẻ những góc nhìn riêng về ba yếu tố khởi nghiệp này.

A. Động lực

Động lực luôn hiện diện trong khởi nghiệp, vì nếu không có nó thì ta đã không bắt đầu cái công cuộc vất vả và rủi ro ấy. Thế nhưng, một khi đã bắt đầu rồi thì động lực là cái cần kiểm soát, và thậm chí đôi khi cần giảm bớt để có được hiệu quả cao hơn. Thiên thái quá về động lực sẽ làm những quyết định của ta mang sắc màu cảm tính, duy ý chí và vì vậy có tính chất may rủi rất cao.

Còn nếu bạn không-có-gì-hết-ngoài-động-lực, xin chúc mừng: Bạn không cần phải tiếp tục cái hành trình khắc nghiệt ấy. Bạn thực sự rất không phù hợp.

B. Chiến lược

Muốn thành công trong khởi nghiệp, ta luôn cần đến chiến lược.

Đừng hình dung chiến lược là cái gì quá huyền bí hay phức tạp. Hãy hiểu chiến lược đơn giản là cách thức để chiến thắng trong thị trường cạnh tranh cụ thể của mình. Bán cái gì, bán cho ai, bằng cách thức nào và với giá nào là những câu hỏi cơ bản mà người khởi nghiệp nào cũng phải trả lời được. Chỉ cần trả lời sai, hay chưa chuẩn, một trong những câu trả lời đó, kết cục của khởi nghiệp có thể sẽ rất khác.

Nhưng như thế nào để chuẩn?

  • Có một bí quyết: Hãy để khách hàng trả lời.
  • Bán cái gì: Thị trường có cần không, quy mô có đủ lớn không, người cần có khả năng (và có muốn) chi trả không…
  • Bán cho ai: Cái khách hàng mà bạn nghĩ ấy, họ có mua không, tại sao họ lại phải mua sản phẩm ấy, và tại sao họ lại phải mua của bạn…
  • Bán bằng cách thức nào: Trực tiếp, thông qua đội ngũ hay gián tiếp qua hệ thống phân phối, tại sao họ lại phải bán hàng cho bạn, chi phí để họ nhiệt tình bán hàng cho mình có cao không, bạn sẽ phải làm gì để kiểm soát hay thúc đẩy được quá trình đó…
  • Bán với giá nào: Khách hàng chấp nhận mua với giá nào, trả một lần hay nhiều lần, đó có phải là cách trả tiền mà khách hàng muốn nhất, mình có sống được với giá và cách trả tiền như vậy không?

Và như nhiều bạn đã nhắc đến, chiến lược cần phù hợp với năng lực mà bạn làm chủ và nguồn lực mà bạn sở hữu. Nếu không bảo đảm được điều đó, chiến lược cho dù có hay hoặc độc đáo đến mấy rồi cũng khó được gọi là đúng đắn.

Một cách rất tự nhiên, đa phần những người khởi nghiệp luôn có một ý tưởng rất thôi thúc khi mới bắt đầu. Họ chiêm nghiệm và đúc kết về nó suốt quá trình làm việc trước đó và trong thời gian chuẩn bị khởi nghiệp. Nhưng để bảo đảm về tính đúng đắn của nó, và tính bền vững trong một khoảng thời gian tương đối thì những người đứng mũi chịu sào sẽ còn phải vất vả nhiều. Và phải ra thực tế, đừng ngồi vẽ vẽ viết viết trên giấy trong phòng lạnh.

Còn nếu bạn không-có-gì-hết-ngoài-chiến-lược, xin đừng khởi nghiệp một mình. Bạn thực sự cần những cộng sự.

C. Năng lực

Năng lực vừa là tiền đề để xây dựng chiến lược, vừa là điều kiện cần để thực hiện chiến lược ấy. Nếu như “Chiến lược Đúng đắn” là biết phải làm gì (WHAT) và làm như thế nào (HOW) để chiến thắng thì “Năng lực Sẵn sàng” là khả năng tổ chức hiện thực hoá chiến lược ấy.

Trong thực tế khởi nghiệp, có lẽ đến trên 80% thất bại là do thiếu năng lực hiện thực hoá chiến lược. Do vậy, bằng cách nào đó, những người khởi nghiệp buộc phải xoay xở để trang bị hoặc vay mượn đủ năng lực thực hiện chiến lược.

Những người đã có thời gian trải nghiệm các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao trong cùng ngành mà họ khởi nghiệp sẽ có những lợi thế cực kỳ to lớn ở yếu tố này. Đôi khi có thể giúp tiết kiệm nhiều năm va vấp lọng ngọng.

Nhưng với đối tượng khởi nghiệp chưa trải nghiệm qua thời gian làm thuê, phần này là một thiếu hụt khủng khiếp cần phải bổ sung ngay, luôn và không ngừng nghỉ trong suốt quá trình khởi nghiệp. Thông thường, những người chưa đủ năng lực sẽ cần phải tìm cách “mua thời gian” bằng việc tìm kiếm những đối tác phù hợp. Đau khổ là đối tác không chỉ mang đến giá trị, mà họ còn yêu cầu những phân chia lợi ích và có những “nét riêng” rất có thể vênh với ta.

Còn nếu bạn không-có-gì-hết-ngoài-năng-lực, xin hãy tiếp tục làm thuê, khởi nghiệp không chỉ không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công, mà còn là con đường chua nhất. Hoặc bạn cũng có thể chọn một khởi nghiệp sáng sủa nào đó để góp sức nếu như bạn cũng có đôi chút phiêu lưu và muốn thử sức mình. Đừng là người đứng đầu bạn nhé.

Quá trình khởi nghiệp là một quá trình vất vả và rất riêng không ai giống ai. Tuy vậy, đâu đấy vẫn có những điểm chung đáng lưu ý. Trang bị được cho mình cả 3 chân của chiếc kiềng sẽ giúp ta có xác suất thành công cao hơn. Còn nếu thiếu, hãy bổ sung bằng một giải pháp bền vững và kinh tế nhất có thể. Nếu không thể làm điều đó, rút lui đôi khi sẽ là một giải pháp dũng cảm và hợp lý nhất.

“Thế còn sau 5 năm?”

Nguồn: Tran Bang Viet
https://www.facebook.com/tranbangviet?